Đời & Nghề Nhà báo nói thêm?

Nhà báo nói thêm?

(PQT- 15.9.2019) Không biết bắt đầu từ lúc nào, trong dân gian, lúc trà dư tửu hậu, thiên hạ vẫn thường đàm tiếu: Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm. Tháng 6 năm 2019, dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đây đó các sinh viên báo chí, các chi hội nhà báo, trên các trang mạng cá nhân, nhóm này nhóm kia đã tổ chức tọa đàm, trao đổi chủ đề: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”.

7a75390e1a73fc2da562

Họp mặt cựu sinh viên BC - XB, tại TP. Hồ Chí Minh, 50 năm tựu trường, 20.9.2019.

Quả là có nhiều ý kiến trao đổi khá thú vị, dí dỏm, bênh vực và phê phán, ủng hộ và phản đối, dưới nhiều góc nhìn đa chiều tốt và xấu, thành tâm và ác ý, được và chưa được. Nhà văn và nhà báo tuy không vui, chẳng vinh hạnh gì về cái “tật xấu” mà người đời gắn cho mình, nhưng nói mãi thành quen miệng, nhà văn & nhà báo hình như cũng mặc nhiên cười trừ, mặc nhiên thừa nhận vậy.

Một sinh viên khoa báo chí - truyền thông Đại học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh trao đổi: “Nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống trung thực và xây dựng. Đương nhiên, nhà văn có quyền tái tạo hiện thực bằng nhân vật, được quyền hư cấu, được quyền nhân cách hóa, thêm bớt, được quyền luận bàn. Nhà văn “nói láo” theo thiên chức đó, phương pháp hiện thực hóa đó, sự “nói láo” ấy thật đáng yêu. Ngày nay, báo chí và văn học hòa trộn, quyện vào nhau, trong báo có văn, trong văn có báo, báo như vậy mới sinh động, mới lôi cuốn, dễ đi vào lòng người. Cho rằng, nhà báo “Nói thêm” - nói thêm nhưng không phá vỡ nguyên tắc trung thực, tôn trọng sự thật, không hư cấu, không bịa đặt, nói có sách, mách có chứng, nói thêm như vậy đối với nhà báo, thật đáng yêu!”.

Đoạn trích dẫn trên đây, để thấy bạn đọc đã có cách nhìn “Thể tất”, chừng mực, phải chăng. Và toát lên tất cả vẫn là một tấm lòng trân trọng, biết ơn nhà văn - nhà báo chân chính, những kiến trúc sư tâm hồn, những thư ký chân thực của thời đại. Điều mà công chúng, nhân dân đòi hỏi ở báo chí là tính trung thực, khách quan, không tô hồng, không bôi đen sự kiện, con người; nêu tính xây dựng, tính phát hiện, tính chiến đấu - thông tin đa chiều, nhưng có định hướng đúng đắn; cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác rõ ràng, minh bạch - không dựng đứng, không bịa đặt.

***

Tháng trước tôi vinh hạnh bay cùng chuyến với ông Park Hang Seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia. Một đồng nghiệp miền Trung mê bóng đá, bạn của bầu Đức - doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, tác giả của nhiều giải đấu đình đám, tháp tùng ông Park Hang Seo.

Khi tôi hỏi chuyện về việc tái ký hợp đồng Huấn luyện viên trưởng đối với VFF, ông Park có vẻ ái ngại:

- Kể cũng lạ. Tôi và người đại diện của tôi chưa hề phát ngôn về nội dung bản “tái ký hợp đồng”. Càng là chuyện lạ khi có ai đó nói chuyện tiền bạc, lương bổng liên quan đến bản hợp đồng mới. Chẳng hiểu các bạn làm truyền thông lấy tài liệu từ đâu, trên cơ sở nào, không lẽ các bạn lại có thể “nói thêm”, bịa ra rằng tôi đã nói thế này, tôi đã nói thế kia, về khoản tiền lương mà tôi đặt ra với VFF? Không dưới một lần truyền thông nói tôi đã “bên yêu bên ghét”, triệu tập cầu thủ này, loại bỏ cầu thủ kia?

Ông Park nhẹ nhàng mà dứt khoát:

- Do vậy, từ nay sau một cuộc gặp với đại diện VFF, tôi sẽ “thủ”, trợ lý của tôi sẽ phát kèm một văn bản bằng tiếng Anh về nội dung cuộc họp, các bạn cứ theo bản thông cáo báo chí ấy mà truyền thông tới người hâm mộ, đề phòng sự suy đoán, “nói thêm”, có một nói ra ba, gây hiểu nhầm không đáng có.

Đồng nghiệp miền Trung đi cùng ông Park am hiểu trái bóng tròn, thông thạo nghề truyền thông, bật mí thêm:

- Hôm nay ông Park đã bớt giận, tuần trước ông ấy nổi cáu, quát ầm lên với các cộng sự.

Ông Park nổi nóng:

- Các anh (các trợ lý) có thay tôi phát ngôn điều gì không? Tôi có bao giờ mở miệng nói chuyện tiền bạc đâu. Với tôi, tiền lương là một chuyện, nghĩa tình với người hâm mộ bóng đá Việt Nam là một chuyện khác, bởi nghĩa tình ấy chẳng tiền bạc nào mua được. Tôi yêu Việt Nam, mong làm được điều gì đó để người hâm mộ Việt Nam thật vui trong men say chiến thắng; để quan hệ hợp tác giữa hai đất nước Hàn - Việt ngày một nở hoa kết trái.

Chúng tôi xúc động, chỉ còn cách nắm chặt tay cảm ơn ông Park về tình cảm của ông đối với đất nước Việt Nam; về tất cả những gì ông đã làm cho bóng đá Việt Nam. Chỉ trách, một số người nào đó - chỉ là số ít, rất ít trong giới truyền thông đã thiếu chuẩn mực trong thông tin - “suy đoán không có cơ sở” khi truyền thông về ông Park, dễ làm người hâm mộ hiểu nhầm về ông. Nếu nói nhà báo “Nói thêm” chính là chuyện này đây. “Nói thêm” theo hướng bút ký - ghi chép - phóng sự - miêu tả để có chất văn học, phản ánh sự thực mây gió nhẹ nhàng - trong văn có báo, trong báo có văn hoàn toàn xa lạ với kiểu “nói thêm” suy đoán, có một “xút” ra hai ba, không thành có, dẫn đến phản ánh không trung thực, thiếu khách quan sự kiện, sự vật, con người. “Nói thêm” như thế là bóp méo sự việc, dựa vào cái sai của báo này để tán tụng thêm, tô vẽ thêm cho có chi tiết, cho mùi mẫn. Đó là điều hoàn toàn xa lạ với phương pháp tác nghiệp của nhà báo chân chính.

Nhân đây, người đồng nghiệp miền Trung nhắc đến những chuyện “cười chảy nước mắt” khi truyền thông vụ cháy rừng tại núi núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cuối tháng 6.2019. Có thể nói, trong vụ hỏa hoạn chưa từng có ở vùng này, các anh bộ đội, công an, người dân Hà Tĩnh đã ròng rã ngày đêm quên ăn, quên ngủ lên rừng, xuống suối, dũng cảm quên mình dập lửa cứu rừng. Những hình ảnh đẹp của các anh nổi bật trên các trang báo, đem lại nhiều cảm xúc tuyệt vời cho những áng văn, câu thơ ngợi ca người chiến sĩ dũng cảm dập lửa cứu rừng. Một bài thơ hay, gây xúc động hàng triệu trái tim: Mưa ở đâu sao không còn thấy nữa/ Chỉ thấy tin về lửa cháy nhiều hơn/ Bỏ bát cơm vừa xới nửa lưng/ Con cá bẻ đôi, quả cà cắn dở/ mặc vội bộ đồ lấm lem chưa kịp giặt giũ/ kẻng đã rung rồi chân mau bước lao nhanh...

Trên một số trang viết của báo in, báo mạng điện tử, trang mạng xã hội đưa hình ảnh sinh động “Chiến sĩ cứu hỏa ứa lệ” sau lần dập lửa. Tấm ảnh làm xúc động lòng người, cảm phục người lính cứu hỏa dũng cảm lao vào dập lửa. Nhưng sự thật, tấm ảnh đó đã bị lợi dụng; đó là hình ảnh trong vụ hỏa hoạn tại kho hàng tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Hà Nội, xảy ra từ 15.4. 2014 của tác giả Nguyễn Khánh. Có ai đó đã lấy tấm ảnh đó minh họa cho bài viết về vụ dập lửa cứu rừng tại Hà Tĩnh. Với bộ mặt đen nhẻm, mắt ứa lệ, khói bụi, lửa táp làm cháy da thịt, thật cảm động. Nào có ai ngờ, hình ảnh lập lờ ấy - đã “chuyển khẩu” từ Hà Nội vào Hà Tĩnh, kiểu râu nọ - cằm kia, “râu” lính cứu hỏa tháng 4 năm 2014 chắp vào "cằm" lính cứu hỏa dập lửa cứu rừng, 5 năm sau đó.

***

Nhà báo nếu “Nói thêm” theo kiểu không thẩm định thông tin, tác nghiệp cẩu thả, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia - kiểu như có ai đó đã gán ghép tấm ảnh “Chiến sĩ cứu hỏa ứa lệ” thì thật đáng trách, dù vô tình hay cố ý thì đó vẫn là sự bịa đặt, vi phạm tính trung thực của báo chí.

Nhà báo “nói thêm” hay là “bịa chuyện”? Lời tâm sự của ông Park và cuộc “chuyển khẩu” tấm ảnh - tự nó đã minh định cho lối tác nghiệp cẩu thả, vô trách nhiệm, xúc phạm phương pháp làm việc nghiêm túc, khách quan, tôn trọng sự thật của những đồng nghiệp chân chính - điều cốt lõi của một nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn!

Chia sẻ liên kết này...

Add comment