Đời & Nghề Bên dòng sông lam!

Bên dòng sông lam!

(P.Q.T- 24.3.2018) Đúng dịp Hội Báo toàn quốc - từ ngày 16 đến 18. 3.2018, đoàn nhà báo Thái Lan, thuộc Hội nhà báo các địa phương Thái Lan, do ông Proy Sombut, Phó Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, Chủ tịch Hội dẫn đầu có chuyến đi thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, theo lời mời của Hội Nhà báo Hà Tĩnh. Các đồng nghiệp Thái Lan đến di tích 10 cô gái anh hùng Ngã ba Đồng Lộc; thăm khu di tích các Anh hùng dân tộc Trần Phú, Lý Tự Trọng; thăm khu di tích đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Các nhà báo Thái Lan được mời du thuyền trên dòng Lam, con sông làm địa giới 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nghe hát hát dân ca, đò đưa - ví giặm.

aa

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tiếp đoàn nhà báo Thái Lan, 17.3.2018.

 

Trước lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, giờ chia tay một vùng đất, vùng sông hào hùng, mến khách, tầm cao văn hóa xứ Nghệ, đồng nghiệp Proy Sombut cảm động thốt lên, từ đáy lòng mình:

- Nhà báo mà chỉ ở trong tủ kính, không ra đi để biết, để hiểu cặn kẽ đất và người muôn nơi, sẽ không bao giờ là nhà báo đúng nghĩa của nó. Chúng tôi biết ơn, ngưỡng mộ, kính trọng một dân tộc, một đất nước đẹp như tranh vẽ; dũng cảm - anh hùng hào kiệt. Chúng tôi đã nói với nhau, tự nhủ lòng mình, anh hùng và tầm cao văn hóa tạo nên sức mạnh - để chiến thắng.

bdsl_6

bdsl_7

Đoàn nhà báo Thái Lan tham dự Hội Báo toàn quốc 2018.

Quả là nhà báo Thái Lan, ông Proy Sombut - một người nước ngoài đến Hà Tĩnh, khúc ruột miền Trung, sau khi đi và quan sát, ngắm nhìn đã có nhận xét chí lý. Cũng như khi đến thăm Báo Hà Tĩnh, đáp từ sự đón tiếp nồng nhiệt của Tổng biên tập Nghiêm Sỹ Đống, ông nói ngắn gọn: “Làm báo địa phương, cái cần nhất là viết những điều thiết thực chung quanh mình; dấn thân chống tiêu cực, chống lại những điều ngang trái, bảo vệ lẽ phải cho bạn đọc, cho người dân. Làm được điều đó, tờ báo sẽ không bao giờ chết”. Người viết bài này có nhiều lần tháp tùng các đồng nghiệp Thái Lan thăm và làm việc tại Việt Nam, rút tỉa, thu nhận được nhiều bài học quý từ nền báo chí nước bạn. Những nhận xét của họ về đất và người, về đồng nghiệp báo chí Việt Nam xác đáng, sâu sắc, chí lý - rất đời, rất nghề.

ccc

eee

Giao lưu báo chi Việt - Thái tại TP. Hà Tĩnh.

Du thuyền trên dòng sông Lam huyền thoại, tối 16.3.2018, khi con thuyền trôi về hướng cầu Bến Thủy, bé Hà Uyên, 9 tuổi hát dân ca - đò đưa - ví dặm: “Gửi Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ. Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay. Lẫn trong sữa thơm, mẹ nuôi tôi lớn. Ơi, Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ…”. Giọng ca du dương trầm bỗng của Hà Uyên cất lên - về miền quê anh: “Em ơi, quê anh còn trải gió Lào vắt qua ráng biển, rì rào hàng dương. Tiên Điền lắm lối tơ vương; Từ trong dâu bể yêu thương tìm về. Nặng tình câu ví hồn quê…”. Không am tường tiếng Việt, không thể cảm nhận hết cái đẹp lung linh của dân ca xứ Nghệ, nhưng các nhà báo Thái Lan vẫn cảm được tình yêu, sự da diết, sâu lắng của ví giặm ở một miền quê, nơi sản sinh ra Truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa của nhân loại.

ddd

Du thuyền nghe hát dân ca - ví dặm trên dòng sông Lam.

Một chuyến đi về miền Trung - xứ Nghệ để lại những ấn tượng đẹp, sâu sắc cho các bạn đồng nghiệp Thái Lan. Khi trở lại Hội Báo toàn quốc 2018 ở Hà Nội, bên lề cuộc tọa đàm nhà báo Trần Công Mân - cũng là người con của vùng quê Hà Tĩnh nặng nghĩa tình, ông Proy Sombut bắt tay cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi: “Báo chí miền Trung, báo chí Việt Nam qua Hội Báo này đã đoàn kết, tụ hội những người viết báo cả nước dưới một ngọn cờ - đẹp lắm. Với chúng tôi, đây là chuyến đi nhiều vinh dự và ý nghĩa, nhiều niềm vui và hạnh phúc”. Không chỉ các đồng nghiệp Thái Lan, người Việt, dân xứ Nghệ mỗi lần du thuyền trên Lam Giang (sông Lam) hay La Giang (sông La)… cho hồn mình bay bổng theo sông nước, mây gió, nghĩ về quá khứ, hiện tại, hướng về tương lai, càng cảm được sự tuyệt vời, cái hay cái đẹp - sự tỏa sáng lung linh: “nặng tình câu ví hồn quê”. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, chính khách… một đời phiêu bạt xa quê, khi trở về với “câu ví”, “điệu hò” càng thấm đậm tình đời, tình người, càng thêm yêu quê hương, đất nước.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment