Thủy tặc hơn đạo tặc!

(PQT - 2.11) Ít có năm nào áp thấp dồn lên áp thấp - chuyển thành bão, mưa lũ dồn dập, thiên tai khắc nghiệt như năm 2017. Tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực và toàn cầu ngày càng hiện hữu ở mọi vùng miền ở nước ta. Các siêu bão tại Hoa Kỳ, Nhật Bản… trong tháng 9, tháng 10.2017 cũng như trận sóng thần - gây nên đại hồng thủy mấy năm trước từ biển Thái Bình Dương, gây thiệt hại kinh hoàng cho nhân dân các khu vực bị thiên tai, gây hậu quả khôn lường, cuốn sạch cả mấy đô thị lớn, phải mất nhiều năm, có thêm sự cứu trợ của thế giới mới có thể khắc phục, nhân dân vùng bị thiên tai mới gượng dậy được.

lu

Trận lũ quét khiến nhiều khối đất đá nặng trôi xuống tàn phá nhiều vùng dân cư tại thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: kenh14.vn

Ở nước ta, mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ chưa dứt thì mưa lũ lại trút xuống suốt dải đất miền Trung, hết đợt này đến đợt khác, nước bủa vây, cắt đứt nhiều tuyến đường sắt, đường bộ. Các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa… là những địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Lũ quét, sạt lở đất xóa sổ một số bản làng, nhấn chìm ruộng vườn, nhà cửa, vùi lấp nhiều hộ gia đình do không kịp trở tay giữa đêm khuya, chịu nhiều thiệt hại nặng nề, đau lòng. Miền Tây, miền Đông Nam bộ, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu mưa lũ chồng lên mưa lũ, triều cường, nước biển dâng. Nhiều hồ đập thủ lợi, thủy điện tràn và vỡ bờ, nước lũ tràn vào nhiều khu dân cư, hoa màu, cây trái và nhà dân bị ngập lụt.

Từ giữa năm 2017 đến nay, gần 100 người bị lũ cuốn trôi, tử vong, mất tích; hàng vạn gia súc, gia cầm, hàng ngàn ha lúa mùa, hoa màu, nhiều của cải của người dân bị ngập lụt, bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại do thiên tai khắc nghiệt trong cả nước, tính đến thời điểm đầu tháng 11.2017, thống kê chưa đầy đủ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đợt mưa lớn hiếm có cuối tháng 9 đầu tháng 10. 2017, hồ chứa nước sông Ray, sông Hỏa (huyện Xuyên Mộc) nước đổ về dâng cao vượt cao trình cho phép, buộc phải xả lũ, nước nhấn chìm một số nơi thuộc xã Phước Thuận và khu vực phụ cận, gây tiệt hại lớn về nuôi trồng thủy sản và hoa màu. Ở huyện Châu Đức, do mưa lớn, nước đập hồ Gia Hoét vượt cao trình cho phép (137,5 mét) làm vỡ hơn 20 mét kênh tràn, gây ngập lụt nặng xã Suối Rao và vùng phụ cận, gây thiệt hại không nhỏ. Tại huyện Tân Thành, do mưa lớn liên tục gây ngập úng một số vùng trồng rau chuyên canh ở một số xã.

lu2

Cầu Nặm Păm trên QL 279D bị sập toàn bộ 2 mố cầu, cắt đứt giao thông nối trung tâm huyện Mường La, tỉnh Sơn La với các xã dọc sông. Ảnh: vietnamnet

Thời điểm hiện tại - ngày 3.11, hai cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó có một áp thấp nhiệt đới đã chuyển thành cơn bão số 12, sức gió vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 10, cấp 11, đang hướng vào các tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự trùng hợp ngẫu nhiên, vào thời điểm này của 20 năm trước, cơn bão nhiệt đới Linda (bão số 5) đã đổ bộ vào Tây Nam bộ, 128 người chết, 1.164 người mất tích, gần 1.000 tàu thuyền hư hại, trận bão gây thiệt hại lớn nhất trong vòng 100 năm nay tại Việt Nam. Vào thời điểm bão Linda của 20 năm trước, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị ảnh hưởng nặng nề và thiệt hại không nhỏ. Ngày 3.11.2017, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong từ cơn bão Linda tại cửa biển Khánh Hội - huyện U Minh. Lễ tưởng niệm các nạn nhân, nhắc nhở cho chúng ta những bài học cần thiết về phòng chống bão lũ - những hiểm họa thiên tai tương tự.

Lần này, đường đi của cơn bão số 12 gần giống như đường đi của bão Linda. Bão số 12 có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, có khả năng tiếp tục mạnh lên. Bão sẽ tác động gây nên triều cường, nước biển dâng cao, đề phòng vòi rồng, lốc tố. Bão và áp thấp nhiệt đới chắc chắn sẽ gây mưa to, đến rất to ở một số khu vực. Do mưa lũ và bão liên tục mấy tháng nay, đợt mưa bão đầu tháng 11 này, khả năng vỡ đập, đê bao, kênh tràn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai Trung ương và chính quyền các cấp trong khu vực có khả năng bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ đang huy động tổng lực các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng cứu cao nhất, đề phòng mưa bão đổ bộ bất ngờ, phòng chống lũ, vỡ đê đập.

vo-de-4587-1507011039

Lực lượng công binh được huy động để ngăn dòng chảy ở đoạn đê hồ Gia Hoét, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị vỡ. Ảnh: Xuân Thắng 

Cha ông ta đã tổng kết, thủy tặc - hỏa tặc hơn cả đạo tặc, giặc thủy tinh gây nguy hiểm khôn lường, chỉ trong chốc lát có thể nhấn chìm hàng trăm tàu thuyền, nhấn chìm nhiều làng xã. Từ cơn bão Linda năm 1997 cũng như sự khắc nghiệt, dồn dập của thiên tai năm 2017 cho ta nhiều bài học quý giá về phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Thực tế cho thấy, trong phòng chống thiên tai, bài học lớn nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất là bài học - thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Đó là chỉ huy phòng chống thiên tai tại chỗ; lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ tại chỗ; vật tư - phương tiện - kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Để phòng chống thiên tai tốt nhất, cần sẵn sàng chủ động phòng tránh; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục thiên tai khẩn trương và hiệu quả.

Đối phó với thủy tặc, đòi hỏi không chủ quan, khinh suất; không lơ là, mất cảnh giác; thông tin thiên tai, bão lũ nhanh nhất, kịp thời nhất; cơ quan khí tượng, thủy văn theo dõi diễn biến chặt chẽ, dự báo chính xác, thông suốt từ trên xuống dưới - qua phương tiện thông tin đại chúng đến tận các tổ dân phố, bản làng, thôn ấp, cụm dân cư. Sự chủ động ứng phó mọi nơi, mọi lúc, huy động sức mạnh tổng lực, tại chỗ, chúng ta sẽ hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại của thiên tai - bão lũ.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment